Khi nào cả 8 hành tinh trong hệ Mặt Trời thẳng hàng?
Dù đôi lúc trông gần nhau và tương đối thẳng hàng khi nhìn từ Trái Đất, các hành tinh thực tế vẫn cách nhau rất xa ngoài vũ trụ.
Trong hành trình di chuyển xung quanh Mặt Trời, đôi khi một số hành tinh sẽ trông thẳng hàng khi nhìn từ Trái Đất. Nhưng 8 hành tinh này có từng thực sự thẳng hàng hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào định nghĩa về sự “thẳng hàng”.
8 hành tinh trong hệ Mặt Trời gồm sao Thủy, sao Kim, Trái Đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Quỹ đạo của các hành tinh nghiêng theo những mức độ khác nhau so với xích đạo Mặt Trời. Điều này đồng nghĩa, khi các hành tinh trông thẳng hàng trên bầu trời thì thực tế, chúng có thể không nằm trên một đường thẳng trong không gian 3D, theo Arthur Kosowsky, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Pittsburgh.
“Khái niệm hành tinh thẳng hàng thiên về những gì quan sát được từ góc nhìn của con người trên Trái Đất thay vì sự thẳng hàng vật lý thực sự trong không gian”, Nikhita Madhanpall, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Wits, Nam Phi, cho biết.
Sự giao hội hành tinh xảy ra khi có hai hành tinh trở lên xuất hiện gần nhau khi nhìn từ Trái Đất. Cần lưu ý rằng những hành tinh này không thực sự ở gần nhau. Kể cả khi chúng trông thẳng hàng với con người trên Trái Đất, chúng vẫn cách nhau cực xa ngoài vũ trụ.
Các hành tinh gần nhau đến mức nào thì có thể coi là thẳng hàng? Điều này vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng, theo Wayne Barkhouse, nhà vật lý thiên văn tại Đại học North Dakota. Định nghĩa này sẽ liên quan đến độ góc – cách các nhà thiên văn đo khoảng cách hiển thị giữa hai thiên thể trên bầu trời.
Nếu đo khoảng cách xung quanh vòng tròn của toàn bộ đường chân trời thì kết quả sẽ là 360 độ. Để hình dung sự rộng lớn của đường chân trời, hãy nhớ rằng trăng tròn chỉ có đường kính nửa độ, theo Đài quan sát Las Cumbres ở Goleta, California.
Trong cuốn sách Mathematical Astronomy Morsels xuất bản năm 1997, Jean Meeus, nhà khí tượng kiêm nhà thiên văn học nghiệp dư người Bỉ, tính toán rằng 3 hành tinh trong cùng của hệ Mặt Trời – sao Thủy, sao Kim, Trái Đất – thẳng hàng trong phạm vi 3,6 độ trung bình cứ mỗi 39,6 năm.
Việc nhiều hành tinh hơn xếp thẳng hàng cần nhiều thời gian hơn. Theo Meeus, cả 8 hành tinh sẽ thẳng hàng trong phạm vi 3,6 độ cứ mỗi 396 tỷ năm. “Như vậy sự kiện này chưa bao giờ và cũng sẽ không xảy ra, vì Mặt Trời sẽ biến thành sao lùn trắng trong khoảng 6 tỷ năm nữa. Trong quá trình này, Mặt Trời sẽ biến đổi thành sao khổng lồ đỏ và phình ra, nuốt chửng cả sao Thủy lẫn sao Kim, có thể cả Trái Đất. Vì vậy, sẽ chỉ còn lại 5 hành tinh trong hệ Mặt Trời”, Barkhouse nói.
Khả năng 8 hành tinh thẳng hàng trong phạm vi 1 độ trên bầu trời còn thấp hơn. Theo Meeus, điều này xảy ra trung bình cứ mỗi 13,4 nghìn tỷ năm. Trong khi đó, vũ trụ được cho là chỉ khoảng 13,8 tỷ năm tuổi.
Nếu coi 8 hành tinh là xếp thẳng hàng khi nằm trong cùng một phần bầu trời rộng 180 độ thì lần tiếp theo sự kiện này xảy ra là ngày 6/5/2492, theo Christopher Baird, phó giáo sư vật lý tại Đại học West Texas A&M. Lần gần nhất 8 hành tinh thẳng hàng trong phạm vi 30 độ là ngày 1/1/1665 và lần tiếp theo sẽ là ngày 20/3/2673, theo cơ sở của Đài quan sát Mặt Trời Quốc gia tại Sacramento Peak, California.
Madhanpall lưu ý, sự thẳng hàng của các hành tinh gần như không có tác động vật lý đáng kể nào lên Trái Đất. “Tác động duy nhất đến cuộc sống trên Trái Đất khi các hành tinh thẳng hàng là màn trình diễn tuyệt vời trên bầu trời. Không có nguy cơ xảy ra động đất tăng cường hay bất cứ điều gì tương tự. Sự thay đổi lực hấp dẫn mà Trái Đất trải qua trong bất cứ sự kiện hành tinh thẳng hàng nào là không đáng kể”, Barkhouse nói.
Thu Thảo (Theo Live Science)